EQ và Hiệu Suất công việc
CẢM XÚC LO ÂU - 1 TRONG NHỮNG "THỦ PHẠM" GÂY MẤT TẬP TRUNG
Tác giả Shiny
Chào bạn, đây là chuyên mục EQ và Hiệu Suất công việc.
Chuyện kể rằng một ngày đẹp trời, bạn nhận được một nhiệm vụ khó nhằn từ sếp. Bạn biết rõ rằng mình cần hoàn thành nó đúng deadline. Bạn hiểu trách nhiệm của mình, bạn biết rằng không thể trì hoãn. Vậy mà, trong một khoảnh khắc, bạn nhận ra mình đang lướt reels, tiktok, chatting hay thậm chí là ngồi suy nghĩ mông lung về những chuyện chẳng hề liên quan.
Ủa, vì sao vậy?
Câu trả lời nằm ở cảm xúc Lo Âu.
Khi đối diện với một nhiệm vụ khó, bộ não của chúng ta không chỉ xử lý thông tin về công việc mà còn phải đối phó với cảm xúc đi kèm. Lo âu là một cảm xúc tự nhiên, khi não bộ nhận diện nhiệm vụ đó là một thử thách có thể ảnh hưởng đến đánh giá năng lực, hình ảnh cá nhân hoặc kết quả làm việc của bạn. Điều này khiến cơ chế phòng vệ của não bộ tự động kích hoạt, dẫn đến việc bạn vô thức tìm kiếm những hoạt động dễ chịu hơn để "né tránh" cảm giác khó chịu đó. Và thế là bạn bị xao nhãng.
Lo Âu dẫn đến xao nhãng như thế nào?
Cảm xúc lo âu khiến amygdala trong não bộ kích hoạt phản ứng "chiến, chạy hoặc đóng băng" (fight-flight-freeze). Trong trường hợp này, phần lớn mọi người rơi vào trạng thái "bỏ chạy" – nghĩa là thay vì tập trung vào nhiệm vụ, bạn tìm cách thoát khỏi sự căng thẳng bằng cách làm những việc dễ chịu hơn như:
Lướt mạng xã hội
Kiểm tra email không cần thiết
Nghĩ về việc khác không liên quan.
Không phải bạn lười biếng hay thiếu kỷ luật, mà là bộ não đang phản ứng với cảm xúc lo âu của bạn.
Một số người cho rằng: "Không nên lấy lý do rằng vì lo âu với nhiệm vụ khó nên tôi xao nhãng, mà thấy khó thì phải cố gắng tập trung mà làm cho xong."
Ok! Điều này KHÔNG SAI, nhưng chưa đủ.
Bởi vì cảm xúc lo âu là có thật. Bạn không thể chỉ ép mình "phải tập trung" mà không nhận diện và xử lý cảm xúc. Khi bạn phớt lờ cảm xúc lo âu, nó vẫn ngấm ngầm tác động đến sự tập trung của bạn, khiến bạn dễ dàng rơi vào trạng thái trì hoãn hoặc làm việc mà không hiệu quả.
Giải pháp EQ - Dành 10 phút ngồi chơi với cảm xúc và thực hành một số cách sau:
Gọi tên cảm xúc: Nghiên cứu cho thấy việc gọi tên cảm xúc giúp giảm cường độ của nó. Hãy thử tự nói với bản thân: “Mình đang cảm thấy lo lắng vì nhiệm vụ này có vẻ phức tạp” thay vì để lo lắng kiểm soát suy nghĩ của bạn.
Chấp nhận cảm xúc: Thay vì phủ nhận lo âu, hãy thừa nhận rằng “Mình đang lo lắng về nhiệm vụ này”. Khi bạn chấp nhận được cảm xúc của mình, nó sẽ bớt kiểm soát bạn.
Chuyển hóa lo âu thành động lực: Hãy tự hỏi “Cảm xúc này đang muốn giúp bạn điều gì?”. Nếu bạn lo vì thiếu kỹ năng, hãy xem đó là tín hiệu để học hỏi. Nếu bạn lo bị đánh giá, hãy xem đó là động lực để làm tốt hơn.
Thay đổi góc nhìn: Thay vì nghĩ “Đây là nhiệm vụ khó”, hãy thử nghĩ “Đây là một cơ hội để mình rèn luyện và phát triển”. Cách bạn diễn giải suy nghĩ về nhiệm vụ sẽ ảnh hưởng lớn đến cảm xúc của bạn.
Sử dụng kỹ thuật tái thiết lập nhận thức: Khi cảm thấy lo lắng, hãy viết ra 3 điều tích cực mà bạn có thể học được từ nhiệm vụ này. Điều này giúp bạn tiếp cận thử thách với tâm thế chủ động hơn.
Ngoài ra, có một số giải pháp về Quản lý công việc giúp tối ưu tập trung:
Chia nhỏ nhiệm vụ: Nếu nhiệm vụ quá lớn, bộ não sẽ cảm thấy bị đe dọa. Hãy chia nhỏ nó thành các bước nhỏ hơn để dễ bắt đầu.
Sử dụng nguyên tắc "chỉ 5 phút": Cam kết làm nhiệm vụ trong 5 phút đầu tiên, sau đó sẽ đánh giá và phản hồi lại với sếp. Thực tế, khi đã bắt đầu, bạn sẽ thấy dễ dàng hơn để tiếp tục.
Kết hợp với phần thưởng: Khi hoàn thành nhiệm vụ này, hãy tự thưởng một thứ gì đó cho bản thân như một ly trà sữa, một chiếc đầm mới để tạo cảm giác tích cực.
Loại bỏ tác nhân gây xao nhãng - làm chủ ngoại cảnh: Đặt điện thoại xa tầm tay, tắt thông báo và tạo không gian làm việc tập trung.
Tóm Lại:
Cảm xúc lo âu không xấu, nó chỉ là một tín hiệu để bạn hiểu rõ hơn về bản thân và điều chỉnh hành động cho hiệu quả. Khi bạn biết cách điều tiết cảm xúc lo âu và suy nghĩ hợp lý, bạn sẽ làm chủ được sự tập trung và tối ưu hóa hiệu suất làm việc, mà không đánh mất chính mình!
Nếu bạn thấy hữu ích hãy chia sẻ để nhiều người cùng hiểu và thực hành EQ, biết ơn bạn!
#EQ #TriTueCamXuc #Effectiveness #HieuSuat #HieuQua #Shiny