Hãy thử THẤU CẢM để hiểu và giải quyết mâu thuẫn với con.
Tác giả Joshua Freedman (Six Seconds)
Dịch Hà Tea
Mọi gia đình đều từng trải qua xung đột giữa cha mẹ và con cái, dẫn đến những vòng luẩn quẩn khiến cả hai đều bực bội. Dưới đây là 4 cách bạn có thể thử để hiểu con hơn và tìm ra giải pháp sáng tạo, từ đó tạo sự thấu cảm(Empathy) với con mình.
Hãy tưởng tượng, 20 năm sau, con bạn ngồi nói chuyện với bạn bè về bố mẹ của chúng. Dựa vào cách bạn cư xử trong hai tuần qua, con sẽ nói gì về bạn?
“Bố mình lúc nào cung khó chịu, cau có.”
“Mẹ mình không có thời gian cho mình.”
“Có lẽ mẹ không hiểu gì về mình.”
“Bố yêu mình lắm, ông là người tình cảm.”
“Mẹ luôn là người đồng hành tuyệt vời của mình.”
Đó có phải là điều bạn muốn nghe không? Đâu là câu trả lời lý tưởng của bạn?
Tôi nhớ có lần rời nhà đi công tác khi 2 đứa con tôi khoảng bốn và sáu tuổi. Buổi sáng hôm đó, một cuộc cãi vã "điển hình" xảy ra và tôi đã quát mắng chúng. Sau đó, khi ngồi trên máy bay ở độ cao 32,000 feet, tôi nghĩ: "Đây không phải là người bố mà mình muốn trở thành. Nếu chẳng may máy bay gặp nạn, tôi không muốn con nhớ đến tôi như một người hay cáu giận và la mắng"
Lần tới, khi bạn gặp mâu thuẫn với con, hãy thử lùi lại một bước. Rồi tự hỏi: 20 năm nữa, con sẽ nói gì về cách mình làm cha mẹ?
Nếu chỉ tập trung vào những hành vi bên ngoài, bạn có thể bỏ qua những thông tin thực tế quý giá. Hãy tự hỏi: Điều gì đang diễn ra bên trong những hành vi của con? Động lực nào dẫn đến những hành động đó?
Khi tò mò về điều này, bạn dễ dàng vượt qua những phản ứng bực bội,nóng giận của mình và mở lòng hơn, đồng cảm hơn, có thể cùng con giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Điều này có thể đặc biệt hữu ích trong các tình huống xung đột phổ biến giữa cha mẹ và con cái, đặc biệt trong các tình huống liên quan đến bài tập về nhà.
Một trong những công cụ hữu hiệu giúp tôi giảm bớt sự bực bội chính là thực hành sự đồng cảm. Khi tôi khó chịu với con mình, tôi nhắc bản thân rằng: có thể con cũng đang khó chịu với tôi. Khi tôi giận một trong số chúng (và thực tế chúng thay phiên nhau thách thức tôi), tôi tự nhắc: có thể con cũng đang giận tôi.
Khi tôi buồn bã hay cảm thấy xa cách, tôi thử nghĩ: có lẽ con mình cũng đang cảm thấy tương tự. Bằng cách này, tôi có thể nhìn nhận cảm xúc của cả hai phía một cách công bằng và giảm thiểu sự căng thẳng.
Một cách khác để thấu cảm là không đặt mình là trung tâm vấn đề xung đột.
Hãy tự hỏi mình: Liệu mình có đang đặt mình phải là trung tâm? hay buộc con nghĩ mình là trung tâm?
Nhiều khi con thể hiện những cảm xúc mạnh mẽ, bản năng tôi nghĩ rằng chúng đang cố ý làm tổn thương tôi.
"Nó đang cố thách thức mình."
"Nó không tôn trọng mình."
"Nó coi mình ra gì cả."
Nhưng với một chút đồng cảm, tôi có thể suy ngẫm: Sẽ là cái gì nếu vấn đề chính không phải là về mình? Điều gì sẽ xảy ra nếu con chỉ đang thể hiện cảm xúc này hướng về phía mình, vì đó là nơi an toàn nhất để con bộc lộ… nhưng thực chất không liên quan gì đến mình cả?
Đây là một nghịch lý thú vị – đồng cảm đòi hỏi sự công nhận mối tương quan giữa hai người, nhưng đồng thời cũng cần sự tách biệt. Đó là sự phụ thuộc và độc lập, cùng tồn tại. Đây là cách mạnh mẽ để chúng ta nhìn nhận vai trò làm cha mẹ của mình.